Biếng ăn là khi trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết để cung cấp đầy đủ năng lượng theo nhu cầu của lứa tuổi. Biếng ăn không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau. Hậu quả có thể rất nghiêm trọng vì dễ gây ra một vòng xoắn bệnh lý.
Biếng ăn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ngay cả khi bé nhà bạn khỏe mạnh, phát triển thể chất bình thường vẫn có nguy cơ mắc chứng biếng ăn. Đối với những trẻ mắc bệnh sức khỏe yếu, nguy cơ này sẽ cao hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, trong đó phần lớn là do nguyên nhân tâm lý. Trẻ sợ ăn, mất sự thèm ăn là do có cảm giác bị ép buộc, khiến trẻ căng thẳng và có tâm lý sợ hãi, chống đối khi đến bữa ăn. Khi thấy con lười ăn, nhiều bà mẹ đã không kiềm chế được sự bực tức của mình, đã la mắng, quát tháo, đánh đập, nhồi nhét, ép con ăn… Nhưng đó không phải là một biện pháp đúng đắn. Tất cả những hành động trên sẽ chỉ khiến bé càng sợ ăn cũng như tạo căng thẳng giữa bạn và bé. Thực tế có nhiều người làm cha làm mẹ không nắm được các kiến thức về dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý theo lứa tuổi con trẻ, hoặc quá nuông chiều con, cho con ăn vặt quá nhiều, chơi đêm quá khuya dẫn đến những rối loạn trong việc ăn ngủ của con trẻ. Trong trường hợp này, cần tham khảo các biện pháp như sau:
Bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn.
Nên quan sát để thấy được lúc nào trẻ đói từ đó cố định tương đối một giờ ăn để cho trẻ làm quen với chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ. Lưu ý: không được cho trẻ ăn quà vặt, đặc biệt là bim bim trước những bữa ăn vì chúng sẽ làm cho bé ngang bụng và không muốn ăn.
Tránh mọi cách ép ăn đối với trẻ và tuyệt đối không lén pha thuốc vào thức ăn của trẻ. Nếu trẻ không thích ăn thịt thì có thể ăn xúc xích, giò. Nếu bé không ăn rau thì thay vì bực bội, bạn hãy cho bé ăn thêm trái cây.
Cố gắng thay đổi thái độ, hành vi để tạo không khí thoải mái cho trẻ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với trẻ, cho trẻ tự do chọn thức ăn mà trẻ thích, nếu có thể hãy cho trẻ tham gia quá trình chế biến thức ăn.
Điều quan trọng là gia đình nên chế biến những món ăn ngon, thay đổi khẩu vị thường xuyên và tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Khi đó, bé sẽ ăn ngoan và cảm thấy hứng thú với bữa ăn của mình. Ngoài ra các bà mẹ nên học cách chế biến các món ăn quen thuộc trở nên bắt mắt và ngon lành bằng cách trang trí và tạo màu sắc hấp dẫn khi chế biến. Chẳng hạn như: bên cạnh súp lơ màu trắng bạn có thể điểm màu cam của cà rốt hay đỗ quả xanh điểm thêm những lát cà chua màu đỏ…
Trẻ lớn biếng ăn xảy ra chủ yếu ở các em gái tuổi thiếu niên. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó tâm lý sợ béo phì khiến các em nhịn ăn, lâu dần dẫn đến biếng ăn. Nếu ở trong tình trạng như vậy, bạn nên cho con mình đi khám chuyên chuyên khoa để được điều trị kịp thời bằng các liệu pháp tâm lý và phục hồi dinh dưỡng. Cha mẹ cần hướng dẫn, khuyên bảo các em hiểu ăn uống và luyện tập thể dục thể thao điều độ thì cơ thể mới khỏe mạnh, cân đối chứ không nên nhịn ăn để tránh các hậu quả có thể xảy ra.
Biếng ăn cũng thường xảy ra do nguyên nhân bệnh lý. Các bệnh thường gây nên biếng ăn là thiếu máu, còi xương, các viêm loét niêm mạch (miệng, họng, lưỡi, răng)… Các bệnh này thường gây đau cho trẻ khiến trẻ chán ăn. Cha mẹ khi thấy trẻ bị các bệnh này cần đưa trẻ đi khám để được điều trị khắc phục. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng: sốt cao trên 30 độ C dẫn đến ức chế các men tiêu hóa (hay gặp trong viêm đường hô hấp, viêm tai giữa), suy dinh dưỡng cũng có thể gây ra biếng ăn cho trẻ. Những trường hợp này nếu được bổ sung đa sinh tố vi lượng, yếu tố điện giải như Oresol và men tiêu hóa trong 5 – 7 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng biếng ăn. Nhiễm giun đũa cũng là một nguyên nhân bằng cách tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng một lần. Ngoài ra, cần bổ sung các chất dinh dưỡng giúp trẻ thèm ăn (các nhóm vitamin B, các acid amin, đặc biệt là kẽm…).
Chất lượng khẩu phần ăn chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân quan trọng gây biếng ăn cho trẻ. Trong một thời gian dài, nếu ăn không đa dạng thực phẩm mà quá thiên về một loại nào đó có thể gây thiếu các vitamin như sau:
Thiếu vitamin nhóm B: nếu ăn gạo xay, xát quá kỹ hoặc ít ăn đạm động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm…
Thiếu vitamin C: nếu ăn ít hoa quả tươi.
Thiếu các vitamin tan trong dầu như A, D… do ăn thiếu các thành phần này hoặc do không cho trẻ ăn dầu mỡ trong bữa ăn.
Thiếu các yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, magie…hoặc thiếu acid amin lysine (một loại acid amin có tác dụng kích thích khẩu vị trong những trường hợp ăn ít đạm động vật…) dẫn đến thiếu các thành phần quan trọng trong chức ăn chuyển hóa, tiêu hóa của cơ thể.
Những trường hợp này cần đưa bé đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý và bổ sung các yếu tố hụt hẫng.