Bệnh thoái hoá khớp

Trước đây, bệnh thoái hóa khớp bị coi như một hệ quả tất yếu của tuổi già, mọi biện pháp điều trị hầu như chỉ cho kết quả khiêm tốn và cầm chừng. Ngày nay, tuổi thọ con người ngày càng cao nên tỷ lệ bệnh nhân thoái hóa khớp cũng tăng lên một cách đáng kể.



Một nghiên cứu công bố năm 1990 cho biết: Khoảng 52% người trên 35 tuổi và 80% người trên 70 tuổi có ít nhất một tổn thương thoái hóa khớp. Các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu và khám phá ra những nguyên do làm hư hại sụn khớp - tổn thương chính của bệnh thoái hóa khớp - rất đa dạng và phức tạp. Bài viết này, xin giới thiệu sơ lược một số đặc điểm của bệnh thoái hóa khớp.
Bệnh thoái hóa khớp là gì và nó có liên quan gì đến bệnh gout không?
Thoái hóa khớp là tình trạng xuống cấp tiến triển của sụn khớp, có thể do tự nhiên hay do một yếu tố nào đó thúc đẩy. Bên cạnh đó là sự tự điều chỉnh không hợp lý của những thành phần kế cận là bao khớp và xương khiến cho diễn biến ngày càng xấu đi, khớp giảm khả năng vận động, đau và dần dần biến dạng.
Tỷ lệ bệnh tăng rõ rệt cùng với tuổi tác và tác động của các yếu tố có hại khác.
Các thành phần chính liên quan đến bệnh
Sụn khớp: Cấu tạo bởi những tế bào sụn gắn kết nhau một cách chặt chẽ thành một mảng dày màu trắng và có tính co giãn. Hình thái này giúp cho các đầu xương dễ dàng trượt lên nhau khi chúng ta cử động, ngoài ra sụn còn làm nhiệm vụ giảm xóc cho cơ thể khi cơ thể di chuyển và hoạt động. Ở bệnh thoái hóa khớp, sụn bị nứt nẻ, loét và mất tính đàn hồi.
Màng hoạt dịch (còn gọi là bao khớp): Là một lớp màng bao quanh khớp, có nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất, tiết ra chất bôi trơn khớp và sản xuất những tế bào làm nhiệm vụ bảo vệ, chống lại các tác nhân tấn công khớp. Khi sụn khớp bị thoái hóa, màng hoạt dịch sưng lên, tiết dịch và đau.
Vùng xương sát sụn: Là vùng giúp cơ thể chống lại tiến trình thoái hóa khớp bằng cách tăng sinh xương, nhưng sự phát triển này không hợp lý, dẫn đến việc hình thành các gai xương.
Các biện pháp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân
Nâng cao hiểu biết về bệnh
Bệnh nhân cần được cung cấp kiến thức về các đặc điểm, các yếu tố thúc đẩy bệnh và các biện pháp hạn chế diễn biến của bệnh. Bác sĩ và bệnh nhân cần trao đổi và bàn luận để chọn lựa các bước điều trị thích hợp như thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, thể dục thể thao, tập luyện…
Các biện pháp ngoài thuốc
Nghỉ ngơi: Gồm nghỉ ngơi toàn diện và nghỉ ngơi cho khớp bị bệnh. Bệnh nhân cần có một thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đầy đủ, khoảng 8-10 tiếng mỗi đêm và 30-60 phút ban ngày.
Khớp bị bệnh cần được giảm tải trong hoạt động bằng cách hoạt động vừa phải, sử dụng công cụ hỗ trợ và tập luyện phòng ngừa cứng khớp, để khớp không bị tổn thương thêm và không bị kích ứng tại chỗ,
Thể dục thể thao: Nên chọn lựa những môn thể thao làm tăng sức cơ mà không kích ứng cơ (như bơi lội, đi bộ), tránh chọn những môn có tính đối kháng cao hoặc phải gắng sức nhiều với cường độ mạnh và có tần suất cử động cao như bóng đá, đấu võ, leo núi.
Sử dụng các vật dụng hỗ trợ: Nhằm giảm tải, tăng cường sự vững chắc và giảm đau cho khớp bị bệnh. Có rất nhiều loại vật dụng hỗ trợ, tùy theo khớp và tình trạng riêng của từng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định dùng đai, nạng, gậy, giầy chỉnh hình hoặc đề nghị nâng độ cao của bồn vệ sinh…
Vật lý trị liệu: Đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Trong giai đoạn cấp tính, khớp viêm và xung huyết nên cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhưng khi khớp tạm ổn, bệnh nhân cần có những bài tập nhẹ, không tải, để chống cứng khớp, tăng lực cho cơ và không gây thêm tổn thương cho khớp. Vấn đề sử dụng nhiệt cũng hay được bệnh nhân quan tâm. Lời khuyên của chúng tôi là nên thận trọng, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh có liên quan đến mạch máu (đái tháo đường), vùng khớp bệnh đang có tổn thương da hay chảy máu. Nhiệt độ tối đa được khuyến cáo là từ 40-45oC, có thể chườm nóng, chườm lạnh hay chườm luân phiên nóng-lạnh sau mỗi 3 phút. Mỗi đợt chườm chỉ nên thực hiện không quá 30 phút.
Hai nhóm thuốc được khuyên dùng
Thuốc giảm đau: Gồm các thuốc thông thường như paracetamol đơn thuần hay phối hợp với chất khác để tăng hiệu quả giảm đau.
Thuốc kháng viêm: Các thuốc kháng viêm không steroid như diclofenac, ibuprofen, nhóm oxicam, nhóm coxib… Thường chỉ cần dùng trong đợt cấp và ngưng khi không cần thiết để tránh tác dụng phụ của thuốc. Trong những đợt cấp có tràn dịch khớp, thuốc kháng viêm steroid cũng được chỉ định và cho kết quả tốt nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm thực hiện, trong điều kiện vô trùng nghiêm ngặt và không nên lạm dụng.


BS. THÁI THỊ HỒNG ÁNH (Trưởng khoa Nội Cơ-Xương-Khớp BV. Nguyễn Tri Phương)
Sức khoẻ Đời sống